Sunday, February 22, 2009

Steve Jobs - ông trùm thế lực!

Trong tuyển tập chân dung 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới xuất bản giữa tháng 5 vừa qua, tạp chí Time nhận xét Steve Jobs của Tập đoàn Apple là "Người đập phá thần tượng trong thời đại công nghệ thông tin nhưng bản thân đã trở thành một thần tượng".

Theo truyền thống mỗi năm Time đều chọn ra những nhân vật nổi bật nhất hành tinh trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đến nay Steve Jobs đã ba lần xuất hiện trên "bảng danh dự" ấy - năm 2004, 2005 và năm nay 2007. Có điều, mỗi lần xuất hiện, Steve Jobs lại là một con người khác - từ một người khởi nghiệp nhìn xa trông rộng sang một Steve Jobs lưu đày và thất bại để rồi trở thành một Steve Jobs - ông trùm đầy thế lực.

Năm nay bản thành tích của Steve Jobs khá dài: Ông mới cho ra đời bộ giải mã truyền hình internet AppleTV và điện thoại di động iPhone, lập nên một kỷ lục mới khi bán được 100 triệu chiếc máy nghe nhạc iPod, đưa doanh số tiêu thụ máy tính Macintosh tăng 36% trong nửa đầu năm nay và đến tháng 10 sẽ cho trình làng Leopard - bản nâng cấp của hệ điều hành OS X nổi tiếng.

Với Steve Jobs, mỗi sản phẩm của Apple đều có sức lay động như một trận động đất. Nửa triệu chiếc điện thoại di động iPhone đã được bán hết trong hai ngày đầu tiên ra mắt tại thị trường Mỹ - dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có 2 triệu người xài iPhone - là một hiện tượng chưa từng có.

Hàng loạt công ty công nghệ mua điện thoại iPhone chỉ để "banh" ra, coi thử nó có gì bên trong mà bán với giá 500 đôla Mỹ trong khi giá thành sản xuất chỉ khoảng 220 đôla. Một lần nữa tài năng của Steve Jobs lại được giới công nghệ bàn tán với niềm khâm phục.

Thăng trầm của một thiên tài

Tuy vậy, Steve Jobs chưa quên những thách thức khủng khiếp mà ông phải đối mặt khi quay về lãnh đạo Công ty Apple đúng 10 năm trước. Là người đồng sáng lập nên Apple Computer Co. nhưng do bất đồng ý kiến, Steve Jobs bị gạt ra khỏi bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp mà ông có công sáng lập.

Đến khi Apple rơi vào tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" vì không cạnh tranh nổi với liên minh giữa Microsoft và Intel thì Jobs được "vời" trở lại. Ông đối mặt với một thị trường tiêu thụ máy tính Mac teo tóp dần, chi phí tăng như tên lửa, két tiền trống rỗng còn nhân tài thì lần lượt đi đầu quân cho các hãng khác.

Trong hoàn cảnh đó Steve Jobs đã làm một chuyện ngược đời: bắt tay đối thủ. Ông mời Bill Gates, Chủ tịch tập đoàn Microsoft, thảo luận một "hiệp định hoà bình", theo đó Apple đồng ý bãi bỏ mọi khiếu kiện về bản quyền đối với Microsoft, đổi lại Bill Gates phải bồi thường 150 triệu đôla và cam kết xây dựng phần mềm Office - sản phẩm chủ lực của Microsoft tương thích với máy tính Mac.

Cho đến lúc đó, mặc dù Apple vẫn nổi tiếng là nhà sản xuất loại máy tính tốt nhất thế giới nhưng số lượng các phần mềm (software), phụ kiện (add-on gear) cho máy tính Mac vẫn rất ít ỏi. Phương châm của Steve Jobs là: "Apple sống trong một hệ sinh thái, nó cần sự hỗ trợ của các đối tác và nó cần hỗ trợ các đối tác", ông nói. Chiến thuật "thêm bạn bớt thù" với Microsoft nằm trong ý hướng đó.

Ngày nay "hệ sinh thái" Apple không còn là một ốc đảo bị giới công nghệ xa lánh để chạy theo Microsoft. Năm ngoái hơn 200.000 công ty phần mềm đăng ký viết những chương trình tương thích với thiết bị của Apple, tăng 26% so với năm trước đó. Trong số này có không ít các đại gia như nhà sản xuất trò chơi Electronic Arts, nhà sản xuất phần mềm doanh nghiệp VMware... Họ bị lôi cuốn bởi sự kiện lượng máy Mac bán ra tăng nhanh gấp ba lần so với mức tăng bình quân của thị trường máy tính nói chung.

Chung quanh chiếc máy nghe nhạc iPod nhỏ xíu cũng đã hình thành một thị trường phụ kiện giá trị nhiều tỷ đôla. Năm nay, khoảng 70% số xe hơi sản xuất tại Mỹ có lắp sẵn điểm cắm máy iPod, 100.000 ghế máy bay cũng vậy. Còn siêu thị âm nhạc trực tuyến iTunes của Apple đã trở thành nhà bán lẻ âm nhạc lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Wal-Mart và Best Buy.

Là một, là riêng, là thứ nhất

Đâu là bí quyết xoay chuyển tình thế của Steve Jobs? Nói ngắn gọn đó là "cách tân", là "đổi mới". Lịch sử phục hồi của Apple cho đến nay là một chuỗi những công cuộc đổi mới thành công. Nếu iPod và iTunes làm biến đổi hoàn toàn cung cách nghe nhạc của thế giới thì người ta hy vọng iPhone sẽ "làm lại" (remake) công nghiệp điện thoại di động qua việc quyết định khách hàng sẽ được hưởng những tiện ích gì mà không cần tới các công ty cung cấp dịch vụ.

Một lẽ đơn giản, iPhone không chỉ là điện thoại mà tập hợp "4 trong 1": điện thoại, máy duyệt Web, máy nghe nhạc, máy quay phim; hoạt động trên nền một loạt công nghệ mang tính cách tân mạnh mẽ của Apple, từ trình duyệt Safari, siêu thị âm nhạc iTunes đến phim ảnh YouTube mà Apple vừa ký hợp đồng hợp tác. Có thể nói, iPhones ra đời ngày 29/6 vừa qua là "tập đại thành" hai thập kỷ nghiên cứu, đổi mới liên tục về công nghệ và thiết kế của Apple.

Hơn thế nữa, iPhone mở đầu cho một xu hướng mới trong công nghệ viễn thông và giải trí. Chẳng bao lâu nữa người tiêu dùng sẽ không còn bận tâm tới việc chọn nhà cung cấp dịch vụ, chuyển vùng, thận chí không cần thiết bị đầu cuối vì gần như mọi nhu cầu liên lạc và giải trí đều có thể được giải quyết trên thiết bị của Apple và internet. Khi iPhone trình làng, các nhà sản xuất điện thoại như Nokia và Motorola, các công ty viễn thông như Verizon, Vodafone đang chờ xem mặt đất dưới chân mình sẽ sụp đổ như thế nào.

Ở một giác độ khác, các nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng công nghệ, từ vi mạch điện tử đến phim ảnh Hollywood đều cảm thấy áp lực phải liên kết với Steve Jobs; có nghĩa là phải chấp nhận từ bỏ một phần sự độc lập của mình trong hoạt động thiết kế và định giá sản phẩm.

Sắp qua rồi thời thống trị của Wintel - chiếc máy tính "Intel Inside" xài hệ điều hành Windows - do hai đại gia Intel và Microsoft xác lập "tiêu chuẩn" mà hàng vạn công ty khác phải theo để làm ra những sản phẩm tương thích với bộ khung (platform) này.

Với Apple, khái niệm platform không còn nữa. "Khách hàng không mua bộ khung (platform), họ chỉ mua sản phẩm tốt", Steve Jobs nói. Theo ông, ý tưởng về bộ khung là tàn dư của cách nhìn thế giới theo kiểu máy PC (very PC - oriented way of looking at the world). Đổi lại, Apple tập trung làm ra những sản phẩm tốt nhất hoạt động trên nền Web 2.0 sắp phổ biến - và đấy là bí quyết thứ hai của ông.

Khi Apple cho ra đời chiếc máy iPod đầu tiên năm 2001, thị trường máy nghe nhạc MP3 đã rất sôi động. Nhưng iPod Shuffle, rồi iPod Nano vẫn vượt lên, bỏ xa cả Sony Walkman là tên tuổi đáng kính trong làng máy nghe nhạc bỏ túi. Bây giờ, iPhone ra đời khi thị trường đã được phân chia giữa các tên tuổi như Palm, Blackberry, Nokia, Sony Ericsson và Motorola - mỗi năm thế giới tiêu thụ không dưới 25 triệu máy điện thoại có chức năng duyệt Web và nhận e-mail như iPhone.

Nhưng không dòng máy nào dựa hẳn lên Internet và do đó không thu hút được sự quan tâm của khách hàng như iPhone. iPhone còn hứa hẹn giải quyết tốt những cơn đau đầu mà người sử dụng điện thoại PDA hiện đang đối mặt. Bài học của Steve Jobs là hãy làm ra những sản phẩm thật tốt, tiền bạc và danh vọng sẽ theo sau.

Hấp tinh liệu pháp

Để làm ra sản phẩm tốt, theo Steve Jobs trước tiên cần có đội ngũ những người giỏi. Ông vẫn thường bị phê phán là quá khắc nghiệt trong việc chọn đối tác, không "đối xử bình đẳng" mà chỉ chơi với những công ty thật sự xuất sắc và chỉ tập trung thu hút những người giỏi nhất.

Trong 200.000 công ty phần mềm đăng ký sản xuất chương trình cho Apple, Steve Jobs chỉ "chơi" với những thiên tài như Google trong lĩnh vực tìm kiếm, YouTube trong chia sẻ video hoặc Electronics Arts trong trò chơi game. Đối với khách hàng cũng vậy, sản phẩm của Apple không dành cho thị trường rộng rãi theo nghĩa là ai cũng mua được, xài được mà là "hàng hiệu" biểu thị "đẳng cấp" của người sở hữu nó.

Lấy ví dụ, một cái máy Mac giá thấp nhất khoảng 1.400 đôla, gấp đôi giá cái máy PC có cùng tính năng, máy nghe nhạc iPod có giá trung bình khoảng 181 đôla tại thị trường Mỹ trong khi chỉ cần 1/3 số tiền đó có thể mua được một máy nghe nhạc MP3 tương tự của một hãng khác. Mới đây nhất dân ghiền xếp hàng nhiều ngày để mua điện thoại iPhone với giá 499 đôla trong khi một cái điện thoại bình thường có giá 66 đôla, và với 160 đôla đã có thể mua được máy điện thoại có tính năng truy cập web như 02, Blackberry hay Palm Treo.

Nhưng thành công của Jobs không xây dựng trên sự lập dị. Trước sau ông vẫn coi Apple là một thành phần trong một hệ sinh thái; thành công của Apple chủ yếu dựa vào sự thu hút các ưu điểm của các đối thủ - một thứ "hấp tinh liệu pháp" nếu nói theo ngôn ngữ của tiểu thuyết kiếm hiệp. Như đã nói ở đầu bài, Jobs rất coi trọng cái hệ sinh thái mà trong đó Apple hoạt động và chủ trương hợp tác với Microsoft.

Theo giới quan sát, cho đến nay gần như Bill Gates chưa "kiếm chác" được gì từ sự hợp tác này nhưng Steve Jobs thì thu lợi đáng kể. Bước đột phá diễn ra vào năm 2003 khi Steve Jobs quyết định tung ra phần mềm iTunes tương thích với Windows bất chấp lời can ngăn rằng nó sẽ gây hại cho việc tiêu thụ máy Mac. Thực tế, nhờ iTunes tương thích với Windows mà iPod nhanh chóng trở thành "hot"; 98% số người sử dụng iPod đang dùng máy Windows PC chứ không phải máy Mac.

Một bước đột phá nữa vừa xảy ra khi Steve Jobs quyết định đưa bộ vi xử lý Intel vào máy Mac thay vì chỉ sử dụng bộ xử lý PowerPC do IBM sản xuất như từ trước tới nay. Thay đổi này không chỉ có tác dụng hạ giá thành máy tính Mac mà còn giúp cho máy Mac dễ dàng chạy các chương trình tương thích với Windows và tạo điều kiện cho các nhà lập trình soạn thảo những chương trình mới cho các sản phẩm của Apple.

Cái dao cạo và lưỡi dao cạo

Không chỉ gắn kết với cộng đồng công nghệ thông tin, Apple đang mở rộng mối liên kết sang lĩnh vực giải trí, chủ yếu là âm nhạc và điện ảnh. Mô hình kinh doanh giải trí của Steve Jobs giống như chiếc bàn cạo râu với lưỡi dao cạo: thiết bị của Apple là chiếc bàn cạo râu đắt tiền, trong khi tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, truyền hình là những lưỡi dao cạo rẻ tiền lắp vào chiếc máy cạo râu ấy.

Hiện thời siêu thị iTunes của Apple thu 99 xu (cent) mỗi bản nhạc mà người dùng tải xuống, trong đó phần bản quyền của các công ty ghi âm chỉ là một khoản nhỏ. Với 100 triệu máy iPod đã bán ra thị trường, chưa kể hàng trăm triệu máy tính cá nhân đã cài đặt iTunes, kinh doanh nhạc số là thị trường béo bở và đầy triển vọng.

Từ khi hãng xe hơi BMW thiết kế khe chứa iPod trên các mẫu xe từ đời 2004 trở về sau, các hãng xe khác cũng bắt chước theo, đến nay thì GM, Ford, Chrysl er và Honda đều dành cho iPod một vị trí đặc biệt trong các mẫu xe hơi mới của mình.

Để chuẩn bị cho AppleTV và iPhone, Apple đã hợp tác với Google để cải tiến YouTube - trang web cung cấp video trực tuyến lớn nhất mà Google vừa mua lại với giá 1,6 tỷ đôla. Cho đến nay, Apple đã bán được 52 triệu bản phim và chương trình truyền hình, gây nên nỗi lo sợ trong các nhà kinh doanh điện ảnh kiểu truyền thống, Apple có ý đồ bắt tay trực tiếp với các hãng phim để đưa nội dung lên Internet và chuyển tới các thiết bị giải trí của Apple mà không cần đến rạp chiếu bóng hay đĩa DVD quen thuộc.

Một hệ thống giải trí gia đình iHomeTheatre tiếp nối con đường của iPod - iPhone đã bắt đầu hình thành trong ý tưởng của Steve Jobs, đến lúc ấy chiếc vé xem phim, thậm chí cái đầu đọc DVD sẽ chỉ còn trong trí nhớ.

Những ngày này Hollywood đang hình thành một liên minh các nhà kinh doanh điện ảnh để chống lại Steve Jobs, nhưng rất khó. Ngoài Apple Computer Co., Steve Jobs còn là cổ đông lớn nhất của Walt Disney và đã lôi kéo được Paramount Pictures làm đối tác của iTunes. Xu thế cho thấy các hãng phim sẽ không cưỡng lại được sức hấp dẫn của Apple.

Cung cách thưởng thức nghệ thuật thứ bảy của loài người chẳng bao lâu nữa sẽ thay đổi tận gốc khi Internet trở thành kho phim vô tận và chiếc máy iHomeTheatre đưa rạp chiếu phim vào tận phòng ngủ của từng gia đình.

Rõ ràng Steve Jobs là một quái kiệt trong thế giới số. Chẳng phải ngẫu nhiên mà tuần báo BussinessWeek gần đây đã gọi Apple là "một hành tinh mới và Steve Jobs chính là người tạo ra hành tinh ấy".

(Theo VietnamNet)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Thông Tin Chứng Khoán