Monday, December 8, 2008

“Quán quân” hàng nội thất của Mỹ

Từ một anh chàng “nhà quê”, lớn lên trên thành phố nghèo Eau Claire, bang Wisconsin (Mỹ), John Menard đã chiến thắng trong đường đua giành thị phần trên thị trường bán lẻ nước này.

Hiện nay, John Menard là người giàu nhất bang Wisconsin của Mỹ với khối tài sản 7,3 tỷ USD. Tuy nhiên, những thành công của John cũng gắn liền với không ít tai tiếng của một tỷ phú lắm tài nhiều tật.

Trai nông thôn ngại việc đồng áng

Bố mẹ của John Robert Menard đều là giáo viên. John là con út trong gia đình 8 anh chị em. Trước khi John vào cấp 3, cha ông dời trường đại học và đưa cả gia đình về nông thôn để gây dựng nên một trong những trang trại sản xuất bơ sữa lớn nhất bang.

Cũng như những đứa trẻ sống với ruộng đồng ở khắp mọi nơi, John học được giá trị của lao động vất vả và tính cần kiệm. Nhưng cậu ghét những việc vặt trong nhà vào các buổi sáng, khiến người cậu ám mùi đồng ruộng lúc đến trường, bởi vậy cậu có thói quen dùng nước hoa trước khi đi học.

Một tư tưởng xuyên suốt trong gia đình John là tinh thần độc lập trong công việc và việc tự sở hữu kinh doanh luôn là nỗi niềm thôi thúc. Tư tưởng đó có tác động đến John, nhưng cậu chưa bao giờ hứng thú với việc suốt ngày bán mặt trên ruộng đồng và luôn tìm cách thoát khỏi càng sớm càng tốt.

Khi John vẫn còn học trung học, cha ông thuê một công ty xây dựng chuồng gia súc, và mùa hè năm ấy John làm việc cùng đội xây dựng. Hai năm sau, John tự thuê một đội xây dựng riêng và bắt đầu đứng ra cai thầu ở gần trang trại của gia đình. Ban ngày ông làm việc với công ty mới ra ràng, ban đêm thì làm thêm ở rạp hát địa phương. Đó là năm 1960 khi ông mới 20 tuổi.

Larry, em trai ông và là Phó chủ tịch của Menards Inc nhớ lại: “Đó thực sự là một cuộc chiến đấu”. Chúng tôi không có tí tiền nào, cho đến năm 1964 chúng tôi mới bán được những thùng nhựa đường.

Những khách hàng cần xây chuồng gia súc của John thường hỏi mua thêm vật liệu xây dựng, bởi vậy John đã mở xưởng gỗ Menard Cashway Lumber để bán hàng, và sau khi tốt nghiệp đại học, ông bỏ việc ở IBM về xây dựng công ty riêng.

John luôn chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất. Chẳng hạn ông đã tái sử dụng những mảnh vụn ở xưởng gỗ mà đối với người khác là rác. Những mảnh gỗ này được đẽo gọt làm những chiếc nhẫn bằng gỗ. Những mảnh không tái sử dụng được thì dùng làm củi đốt.

Đến chuỗi cửa hàng bán lẻ

Menard nhanh chóng phát triển xưởng Cashway, xây thêm nhà máy xử lý gỗ, sản xuất đồ gỗ. Bằng việc tự sản xuất, John đã hạ được giá thành sản phẩm đáng kể. Năm 1972 ông tái cấu trúc xưởng sản xuất nhỏ Cashway thành công ty Menards Inc và mở cửa hàng đồ nội thất đầu tiên đúng vào lúc thị trường xây dựng trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ.

Giống như Wal-Mart, John Menard xây dựng đế chế bán lẻ bằng lợi thế giá rẻ. Các sản phẩm tự sản xuất chiếm 25% các hạng mục được bày bán, trong đó có cả những chiếc nhà xinh xinh cho chó mèo và những chiếc bàn nhỏ dùng đi picnic.

Không phải trả tiền cho trung gian, Menard giảm được 10% chi phí. Menard còn cho người đi thăm dò giá của đối thủ và đếm những chiếc xe hơi ở bãi đỗ xe của họ. Menard hạ giá và theo dõi dòng xe kia teo tóp lại. Menards cũng rất cứng rắn với những nhà cung cấp. Câu hỏi thường trực của John khi được chào hàng là: “Nếu tôi mua hàng của ông, ông khuyến mãi gì thêm ?”.

Năm 79 Menard “bỏ” 65.000 USD để mua một chiếc xe đua và biến nó thành công cụ marketing lưu động cho các cửa hàng của ông và cũng là cách khuấy động những người cung cấp hàng. “Ông ấy là người tiên phong trong việc lấy tài trợ cho đội xe đua Indy”, Wright, một nhà tài trợ nói. “Bây giờ các hãng Lowe, Home Depot cũng làm điều ấy, nhưng Menard là người đầu tiên”.

Nếu muốn có chỗ trong cửa hàng của Menard, các hãng cung cấp hàng phải tài trợ cho cuộc đua. Trong khoảng năm 97-98, công ty Glidden Paints đã chi 4 triệu USD tài trợ cho Menard, năm 2002 Stanley Tools và Moen mỗi hãng khoảng 1 triệu USD.

John Menard đã xây dựng chuỗi cửa hàng thiết bị nội thất dần dần cho đến khi đạt 203 cửa hàng và 37.000 nhân viên. Ông cũng bảo vệ công ty khỏi những đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Home Depot và Lowe. Từ 1996-2007, giá trị tài sản của ông tăng từ 775 triệu lên 5,2 tỷ USD, theo đánh giá của tạp chí Forbes.

Xây dựng và phát triển cơ nghiệp luôn là nỗi ám ảnh của John. Những cộng sự thường nhận xét về John: “Ông ấy là người cô đơn. Ông ấy thường tự mình làm mọi việc”.

Menard hiếm khi trả lời phỏng vấn. Thậm chí cả những người biết rõ ông cũng miêu tả ông với những hình trái ngược, pha trộn giữa một anh hùng với một người tá điền chính thống; ông là hình mẫu của một doanh nhân Mỹ thành công, tuy nhiên cũng là một ông chủ ăn nói không được mềm mỏng và đôi khi còn gay gắt với nhân viên.

Chính sách marketing khôn ngoan và linh hoạt

Để giành được chỗ đứng trên thị trường đồ nội thất của Mỹ, John đã áp dụng một chính sách marketing rất khôn ngoan và linh hoạt. Chính sách này bắt đầu bằng việc mỗi tuần Menard đều có chương trình giảm giá, thậm chí là cho không sản phẩm như một cuộn dây thừng nhỏ giá 75 cent. Bằng việc phát ra phiếu giảm giá, Menards có được tên khách hàng trong danh sách.

Bên cạnh đó, Menard cũng áp dụng những khẩu hiệu quảng cáo bình dân nhưng dễ nhớ và ấn tượng, đó là “Hãy tiết kiệm số tiền lớn ở Menards”. Phong cách bình dân của Menard đã trở thành nhân vật được ngưỡng mộ.

Một bước đi đáng chú ý trong chiến dịch marketing của John Menard là tài trợ cho đội đua xe của Menards. Những tay đua đứng cạnh những chiếc xe đua chào đón khách tại lễ khai trương cửa hàng mới. Khách hàng đi mua sắm xen lẫn với các fan hâm mộ, thật là tự nhiên, còn Manard thì kết thúc hoành tráng những thập kỷ 80 với hơn 45 cửa hàng ở 5 bang.

Doanh thu của Menard trong năm 93 lên tới 1,7 tỷ USD, gia tăng đáng kể nhờ 18 cửa hàng từ nhỏ nhỏ xinh xinh đến đại siêu thị ở Chicago. Khi đối thủ Home Depot lò dò mở cửa hàng đầu tiên ở Chicago thì các cửa hàng của Menard đã đợi sẵn ở đó rồi.

Trong khối bán lẻ, 3 đã là đông và người mạnh thứ 3 chắc chắn là “out”. Nhưng tại 11 bang, Tập đoàn Menards luôn đứng thứ nhất hoặc nhì. Năm 98, Home Depot tấn công một pháo đài của Menards là Milwaukee, thành phố lớn nhất của bang Wisconsin. Hai đối thủ nặng ký là Home Depot và Lowe còn tìm cách gây sức ép cho các nhà sản xuất lớn là Kohler và Dewalt không bán sản phẩm cho Menard.

Năm 2004 và 2005, khi Lowe và Home Depot thu nhỏ diện tích cửa hàng mới lại, xuống 30.000 - 40.000m2, Menard lại mở những cửa hàng mới với diện tích lớn. Ông cho xây một toà nhà 2 tầng lớn ở St.Paul, Minn, có đường đi để khách hàng đẩy xe. Ở Duluth, Minn, ông còn mở một đại cửa hàng rộng hơn 80.000 m2.

John Menard thường ăn mặc đơn giản như “cao bồi”: chiếc áo khoác lông, quần Jeans, áo sơ mi thậm chí còn đứt cúc và đeo chiếc dây xích trên cổ. Ông thường xem xét hết ý kiến của các trưởng bộ phận và đọc không biết chán thư phàn nàn của khách hàng, đào sâu suy nghĩ về những vấn đề và những lời khuyên mà một nhân viên bình thường hay bỏ qua. Trong văn phòng làm việc còn gắn camera để Menard biết nhân viên làm việc hay không.

Lương của trưởng cửa hàng rất cao, từ 80.000 đến 200.000 USD/năm, nhưng họ có thể bị cắt đến 60% nếu không hoàn thành tốt. Phần lớn những người quản lý cửa hàng đều chưa tốt nghiệp đại học.

Họ phải làm việc với một lực lượng nhân viên rất mỏng vì Menard “cực kỳ tiết kiệm”, chỉ cho phép 52 nhân viên cho mỗi cửa hàng bao gồm cả người đứng đầu, so với số lượng nhân viên ở cửa hàng tương đương của Home Depot là 195. Hàng năm những người quản lý các cửa hàng “hành hương” về trụ sở ở Eau Claire để “đàm phán” về ngân sách cho cửa hàng, nhưng không thể xin được nhiều.

Tuy nhiên John nhiều lúc tích cực thái quá đến mức ông muốn nhân viên cũng phải làm cật lực như ông, công ty phải là số 1, thứ đến mới là gia đình. Một người quản lý cửa hàng đã bị phạt 1/2 lương tuần do vợ anh đẻ sinh 3 do vậy anh chỉ đi làm có 35 đến 40 tiếng chứ không phải là 55 tiếng như theo hợp đồng.

Archibald đã làm việc cho Menards 27 năm, và người ta gọi ông là “cánh tay phải” của John Menard. Nhưng 2 năm trước, John đã quy cho ông tội nhận tiền lại quả của nhà cung cấp hàng. Archibad yêu cầu bằng chứng nhưng không có được bằng chứng gì, sau đó chán quá Archibad đã bỏ công ty. Archibad cùng 3 người quản lý cũ của Menard cho rằng ông chủ của họ thịnh vượng nhưng không mang lại cho ông hạnh phúc.

Toàn bộ tình yêu lớn nhất Menard dành cho công ty, mọi thứ kể cả gia đình đều sau công ty. Ông có 6 người con qua 2 cuộc hôn nhân chính thức và 1 người bạn gái chưa cưới. Hai con đầu của Menard thì không bao giờ tha thứ cho bố vì đã lằng nhằng với người phụ nữ khác trong khi vẫn đang chung sống với mẹ họ.

Một điều đáng trách nữa của John là ông thiếu tinh thần bảo vệ môi trường. Năm 1997, John Menard từng bị bắt quả tang sử dụng chiếc xe tải riêng chuyên chở những túi nylon chứa đầy chất crom và mạt gỗ đầy thạch tín về nhà riêng để vứt cùng rác sinh hoạt. Menard và công ty đã bị phạt 1,7 triệu cho 21 lần vi phạm.

Năm 2005, Menard đồng ý chịu phạt 2 triệu USD sau khi cơ quan chức năng phát hiện thấy ống dẫn nước ở dưới sàn cửa hàng mà họ cho rằng dùng để thoát sơn, dầu và các chất thải khác dẫn thẳng ra nhánh phụ của sông Chippewa.

(Theo VnEconomy)

No comments:

Khách Truy Cập Trong Ngày

PCR Designs Group

Giải Pháp Kinh Doanh

Thiết Kế Website

Quản Trị Website

Quảng Bá Website

Thương Mại Điện Tử

Thông Tin Chứng Khoán